Trang chủ » Chuyện đông-tây » Xung quanh bản luận văn”Kẻ bên lề…” của Nhã Thuyên

Xung quanh bản luận văn”Kẻ bên lề…” của Nhã Thuyên

1. Thư của các gs Hồ Tú Bảo, Ngô Bảo Châu, Trần Văn Thọ, Cao Huy Thuần gửi ông Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội
Ishikawa, Chicago, Tokyo và Paris, ngày 18 tháng 4 năm 2014
Kính gửi  Giáo sư Nguyễn Văn Minh,
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà NộiThưa ông Hiệu trưởng,

Chúng tôi được các bạn đồng nghiệp ở trong nước cũng như ở ngoài nước cho biết xúc động của họ về việc tái thẩm định luận văn thạc sĩ của cô Đỗ Thị Thoan và hậu quả khắc nghiệt mà việc đó đã đem lại cho cô giáo Đỗ Thị Thoan và bà Nguyễn Thị Bình, người đã hướng dẫn luận văn của cô. Là những người đã từng làm việc lâu năm trong các đại học ở nước ngoài, chúng tôi chưa thấy một trường hợp nào tương tự đã xảy ra, và cũng không hình dung được khả năng nào có thể xảy ra hiện tượng đó về mặt khoa học. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ nỗi xúc động chính đáng của các đồng nghiệp ở trong nước và bày tỏ mối quan tâm của chúng tôi đối với hiện tình của nền học thuật đại học tại Việt Nam qua sự cố này.

Trong sự việc đang làm dấy lên phản ứng, chúng tôi thấy cần phải phân biệt rõ ràng hai chỗ đứng khác nhau: một đằng là một hiện tượng văn học, một đằng là việc nghiên cứu hiện tượng đó. Nghiên cứu một hiện tượng không có nghĩa là người nghiên cứu đồng ý với hiện tượng ấy. Giá trị của luận văn, vì vậy, không thể căn cứ trên xét đoán chủ quan của người này người nọ về tính cách đúng sai của hiện tượng mà chỉ duy nhất căn cứ trên những tiêu chuẩn khoa học liên quan đến công trình nghiên cứu. Và người thẩm định duy nhất về giá trị khoa học đó không có ai khác hơn là hội đồng giám khảo. Khi một hội đồng giám khảo (do nhà trường lập ra theo đúng quy trình) đã tuyên bố kết quả của việc thẩm định rồi thì không có cơ quan nào khác có thẩm quyền truất phế kết quả ấy. Tất nhiên ai cũng có quyền phê bình luận văn, nhất là trên những sách báo chuyên môn, nhưng phê bình là một chuyện mà trừng phạt là chuyện khác. Sự “trừng phạt” duy nhất mà các luận văn kém chất lượng khoa học phải chịu là sự phê phán của giới khoa học trong ngành, và bất lợi trong các cuộc tuyển chọn giáo chức. Nhưng dù bị loại trong các cuộc tuyển, tác giả cũng không bị mất danh vị tiến sĩ, thạc sĩ. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một việc trừng phạt đau xót và bất nhẫn như hình phạt mà cô Đỗ Thị Thoan và, gián tiếp, bà Nguyễn Thị Bình đã phải chịu.
Chúng ta hằng mong muốn chứng tỏ đại học của chúng ta xứng tầm với các đại học trên thế giới tiên tiến. Muốn thế, chúng ta phải tôn trọng những nguyên tắc căn bản của đại học, trong đó phê phán chỉ có thể dựa trên những tiêu chuẩn thuần túy khoa học là một nguyên tắc tối thiểu.
Cuối cùng, chúng tôi cũng mong muốn rằng thái độ cư xử giữa các đồng nghiệp với nhau, cũng như giữa giáo sư và sinh viên trong đại học của ta, không khác với tinh thần trong các đại học của thế giới văn minh: rộng mở, tự do, bình đẳng, nhân ái.
Chúng tôi cám ơn sự chú ý mà ông Hiệu trưởng dành cho bức thư này.
Trân trọng kính chào ông Hiệu trưởng
Hồ Tú Bảo, Giáo sư Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản, Ishikawa, Nhật Bản.
Ngô Bảo Châu, Giáo sư Đại học Chicago, Hoa Kỳ.
Trần Văn Thọ, Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản.
Cao Huy Thuần, nguyên Giáo sư Đại học Picardie, Paris, Cộng hoà Pháp.

2. BẢN PHẢN ĐỐI VÀ YÊU CẦU

Những người muốn tham gia ký tên vào Bản phản đối và yêu cầu dưới đây, nhằm bày tỏ thái độ trước quyết định vô lý và vi phạm các quy định hiện hành của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong việc hủy bằng và phủ quyết luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan, nhằm bày tỏ tinh thần tương ái đối với đồng nghiệp bị đối xử bất công, và nhằm bảo vệ tương lai nghề nghiệp của chính mình, đồng thời thể hiện trách nhiệm, danh dự và tư cách của cộng đồng giáo dục và nghiên cứu Việt Nam, xin gửi thư điện tử về địa chỉ :

congdongdaihocnghiencuu@gmail.com.

Do đặc thù của vụ việc và nội dung của Bản phản đối và yêu cầu, nên xin phép chỉ chấp nhận chữ ký của những người đảm bảo các điều kiện sau:

– Đã và đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu, tại Việt Nam.

– Ghi đầy đủ các thông tin: Họ tên, học hàm học vị (nếu có), lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu, Bộ môn/ Khoa (đối với các trường Phổ thông và Đại học), Phòng/Ban (đối với các Viện nghiên cứu), cơ quan công tác, địa chỉ nơi ở.

(Riêng thông tin về cơ quan công tác, sẽ không công bố nếu người ký tên nêu yêu cầu này trong thư. Nơi ở sẽ chỉ công bố tên của tỉnh/thành phố, không công bố địa chỉ cụ thể.)

– Nhận chữ ký đến 12h ngày 25/4/2014.

Bản phản đối và yêu cầu cùng tất cả các chữ ký thu thập được sẽ được gửi tới Ông Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào ngày 26/4/2014.

Những người ký tên ở văn bản dưới đây xin chân thành cảm ơn quý đồng nghiệp sẽ tham gia đồng hành cùng chúng tôi.

Kính gửi: PGS. TS. Nguyễn Văn Minh,

Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Chúng tôi, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, gửi đến Ông văn bản này để bày tỏ những điều sau đây:

1. Chúng tôi phản đối và yêu cầu Ông hủy Quyết định số 667/QĐ-ĐHSPHN ngày 11 tháng Ba năm 2014 và Quyết định số 708/QĐ-ĐHSPHN ngày 14 tháng Ba năm 2014, do trường Đại học Sư phạm Hà Nội ban hành, về việc không công nhận luận văn và thu hồi bằng Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn của Đỗ Thị Thoan, bởi hai văn bản này là phi pháp và phi lý, vì các lý do:

1.1. Theo Quy chế Đào tạo Trình độ Thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ký ngày 28 tháng Hai năm 2011, không có cơ sở pháp lý cho việc được gọi là “thẩm định” đối với bất cứ luận văn thạc sĩ nào.

Quy chế này chỉ quy định thẩm quyền về việc thẩm định kết quả tuyển sinh (Điều 19), chứ không quy định thẩm quyền về việc thẩm định kết quả chấm luận văn hay thẩm định hội đồng chấm luận văn. Điều 26 của Quy chế đã bao hàm toàn bộ quy trình đánh giá một luận văn, trong đó có các vấn đề về thành lập hội đồng đánh giá luận văn, nhóm họp hội đồng, và tiêu chí về kết quả của luận văn, mà hoàn toàn không có khoản nào cho phép lập hội đồng thẩm định để đánh giá lại một luận văn đã có kết quả đánh giá.

1.2. Việc đơn phương ban hành hai quyết định trên mà không đưa ra các văn bản làm chứng lý theo quy trình chuyên môn phải có (quyết định thành lập Hội đồng thẩm định, quyết định họp Hội đồng, bản đánh giá của từng thành viên Hội đồng, biên bản họp Hội đồng…), cũng như việc Hội đồng này không họp công khai, là vi phạm hết sức nghiêm trọng Khoản 1 Điều 26 của Quy chế nói trên.

1.3. Khoản 1 Điều 22 Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo QĐ số: 33/2007/QĐ-BGDĐT, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ký ngày 26 tháng Sáu năm.2007 đã quy định cụ thể năm trường hợp bị thu hồi hay huỷ bỏ văn bằng: a) Có hành vi gian lận trong học tập, trong thi cử, tuyển sinh hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ cấp văn bằng, chứng chỉ ; b) Cấp cho người không đủ điều kiện ; c) Do người không có thẩm quyền cấp ; d) Bị tẩy xóa, sửa chữa ; đ) Để cho người khác sử dụng.

Đỗ Thị Thoan không thuộc trường hợp nào trên đây, do đó thu hồi văn bằng của Bà là trái với Quy chế này.

2. Chúng tôi yêu cầu Ông minh bạch hóa toàn bộ quá trình đi đến hai quyết định nêu trên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trên tinh thần tuân thủ các quy định có hiệu lực pháp lý.

3. Trên cơ sở pháp lý vừa nêu, trên chuẩn mực và thông lệ học thuật, việc thẩm định Luận vănVị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa đã xâm phạm thẩm quyền và quyền lợi của Hội đồng Đánh giá luận văn, của Người ướng dẫn và Tác giả luận văn, bởi họ không hề được biết và không hề được tham gia vào quá trình thẩm định.

Chúng tôi yêu cầu Ông tôn trọng thẩm quyền khoa học và danh dự khoa học của Hội đồng Đánh giá luận văn, của Người Hướng dẫn luận văn và Tác giả luận văn khi có bất kỳ hành động hay quyết định nào liên quan đến Luận văn. Họ phải được tham gia vào mọi hoạt động và quyết định liên quan đến Luận văn, đúng như các quyền mà họ được hưởng theo quy định.

Chúng tôi mong nhận phản hồi từ Ông.

Trân trọng,

Những người ký tên:

  1. Bùi Thanh Truyền, TS Văn học Việt Nam, Giảng viên Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm TP HCM

  2. Bùi Trân Phượng, TS Lịch sử, Giảng viên Đại học, TP HCM

  3. Châu Minh Hùng, TS Lý luận văn học, Đại học Quy Nhơn, Tp Quy Nhơn, Bình Định

  4. Chu Hảo, TS Vật lý, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh, Hà Nội.

  5. Chu Văn Sơn, TS Văn học, Giảng viên khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội

  6. Đặng Thị Hảo, TS Ngữ văn, Hà Nội

  7. Đào Tiến Thi, ThS Văn học, Nghiên cứu Văn học, Ngôn ngữ, Giáo dục; Uỷ viên BCH Hội ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội

  8. Đỗ Thị Hoàng Anh, ThS Ngữ văn, Giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội

  9. Đỗ Hải Ninh, TS Văn học Việt Nam, Viện Văn học, Hà Nội

  10. Đỗ Ngọc Thống, PGS. TS Văn học, Chuyên nghiên cứu lý luận và phương pháp dạy học Ngữ văn, Hà Nội

  11. Đỗ Xuân Khôi, TS, Giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội

  12. Đoàn Ánh Dương, ThS Văn học, Nghiên cứu viên Lý luận và văn học Việt Nam hiện đại, Viện văn học, Hà Nội

  13. Hà Sĩ Phu, TS Sinh học, nguyên giảng viên đại học, Đà Lạt

  14. Hà Thúc Huy, PGS. TS Hoá học, giảng viên đại học, TP Hồ Chí Minh

  15. Hồ Thị Hoà, ThS Truyền thông, giảng viên đại học, TP Hồ Chí Minh

  16. Hồ Tú Bảo, Giáo sư Tin học, Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia – TP HCM

  17. Hoàng Dũng, PGS, TS Văn học, Đại học Sư phạm TP HCM

  18. Hoàng Hưng, Nghiên cứu thơ hiện đại VN và thế giới, TP HCM

  19. Hoàng Phong Tuấn, ThS Văn học, Giảng viên Đại học Sư phạm TP HCM

  20. Hoàng Tố Mai, TS Văn học, Nghiên cứu viên Văn học nước ngoài, Hà Nội

  21. Huỳnh Ngọc Chênh, Cử nhân Hoá học, cựu giáo viên trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng, TP HCM

  22. Lê Minh Hà, PGS. TS, Khoa Toán-Cơ-Tin học, Đại học khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, Hà Nội.

  23. Lê Thanh Loan, ThS Ngữ văn, Giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội

  24. Lê Thu Phương Quỳnh, ThS Văn hoá Văn học Châu Âu, Room to Read Vietnam, TP HCM

  25. Lê Tuấn Huy, TS triết học, TP HCM

  26. Mai Thái Lĩnh, phụ giảng Ban Triết học tại trường Đại học Văn khoa, Viện Đại học Đà Lạt (1970-1971), Phó hiệu trưởng trường PTTH Thăng Long (Hà Nội, 75-88), Đà Lạt

  27. Ngô Thị Ngọc Diệp, TS Văn học Việt Nam hiện đại, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai

  28. Ngô Văn Giá, PGS. TS Lý luận Văn học, Chủ nhiệm khoa Viết văn-Báo chí, Đại học Văn hoá Hà Nội

  29. Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh, Hà Nội

  30. Nguyễn Đăng Hưng, GS. TSKH, Cố vấn học thuật Đại học Việt Đức, TP HCM

  31. Nguyễn Đăng Quang, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Lý luận – Ban Tư tưởng Văn hóa Trung Ương từ 1991 đến 1996, Hà Nội

  32. Nguyễn Đình Cống, GS. TS, Đại học Xây dựng, Hà Nội

  33. Nguyễn Đông Yên, GS. TSKH, nghiên cứu và giảng dạy toán học, Hà Nội

  34. Nguyễn Đức Hiệp, cựu giáo viên Vật lý trung học phổ thông, đã nghỉ hưu, TP HCM

  35. Nguyễn Hoài Anh, ThS Ngữ văn, giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội

  36. Nguyễn Hoàng Ánh, PGS.TS, giảng viên trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội

  37. Nguyễn Hoàng Diệu Thuỷ, ThS Văn học, cựu sinh viên khoa Ngữ văn, ĐH SP Hà Nội, Hà Nội

  38. Nguyễn Huệ Chi, GS Văn học, Nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Văn học, Hà Nội

  39. Nguyễn Hữu Việt Hưng, GS. TSKH, Khoa Toán, Đại học Quốc Gia Hà Nội

  40. Nguyễn Mạnh Tiến, ThS Văn học, Dân tộc học, Nghiên cứu văn học, dân tộc học, Hà Nội

  41. Nguyễn Nam Hải, ThS Công nghệ thông tin, nguyên giảng viên ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội, Hà Nội

  42. Nguyễn Phương Chi, nguyên Phó phòng TC Nghiên cứu Văn học, Viện văn học, Hà Nội

  43. Nguyễn Quang A, TSKH, nguyên GS Đại học Kỹ thuật Budapest, nguyên Trưởng khoa CNTT, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội

  44. Nguyễn Thế Hùng, GS. TS, Phó chủ tịch Hội Cơ học Thuỷ khí Việt Nam, Đà Nẵng

  45. Nguyễn Thị Bình, PGS. TS Văn học, nguyên Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, Hà Nội

  46. Nguyễn Thị Hương Thuỷ, ThS Ngữ văn, Giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội

  47. Nguyễn Thị Khánh Trâm, nghiên cứu viên văn hoá, TP HCM

  48. Nguyễn Thị Từ Huy, TS Văn học, cựu giảng viên khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, TP HCM

  49. Nguyễn Văn Long, PGS, Nhà giáo nhân dân, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn VH Việt Nam hiện đại, Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, Hà Nội

  50. Nguyễn Xuân Diện, TS Ngữ văn, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội

  51. Phạm Toàn, nghiên cứu giáo dục, sáng lập viên nhóm Cánh Buồm, Hà Nội

  52. Phạm Minh Gia, TS Kinh tế, Hà Nội

  53. Phạm Quốc Lộc, TS Văn học So sánh, Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá, ĐH Hoa sen, TP HCM

  54. Phạm Thị Ly, TS Ngữ văn, Viện đào tạo quốc tế, ĐHQG TP HCM

  55. Phạm Thị Phương, PGS. TS Ngữ văn, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP HCM

  56. Phạm Xuân Nguyên, Trưởng phòng Nghiên cứu Văn học So sánh, Viện Văn học, Hà Nội

  57. Phan Hồng Hạnh, ThS Ngữ văn, Giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội

  58. Phan Thị Hà Dương, PGS. TS Toán học, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hà Nội

  59. Phan Thị Hoàng Oanh, TS Hoá học, Giảng viên Đại học, TP HCM

  60. Phùng Hoài Ngọc, ThS Văn học, nguyên giảng viên Đại học An Giang, An Giang.

  61. Trần Đình Sử, GS. TS Văn học, Đại học Sư phạm Hà Nội

  62. Trần Đức Anh Sơn, TS Lịch sử, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT XH Đà Nẵng, Tổng biên tập Tạp chí Phát triển kinh tế -xã hội Đà Nẵng, Đà Nẵng

  63. Trần Hữu Tá, GS Văn học, Tp HCM

  64. Trần Ngọc Vương, GS TS Văn học, Hà Nội

  65. Trần Ngọc Hiếu, TS Văn học, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội

  66. Trần Quang Đức, Nghiên cứu văn học, lịch sử, Phòng Văn học So Sánh, Viện Văn học, Hà Nội

  67. Trịnh Thu Tuyết, TS Văn học, Chuyên ngành văn học Hiện đại, Hà Nội

  68. Tương Lai, GS Văn học, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, TP HCM

  69. Vũ Thế Khôi, TS, nguyên Trưởng khoa tiếng Nga, ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội, Hà Nội

  70. Vũ Thị Phương Anh, TS Giáo dục, Nguyên giám đốc Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TPHCM, TP HCM

  71. (còn tiếp…con số đã trên 140 vị )

 

3. Lời của kẻ ngoài lề Xuân Lộc

Những kẻ bên lề bổng chốc hóa trung tâm
Thời đã thế, thế thời phải thế
Những câu thơ lợm mùi xú uế
Lấp dưới hố rồi, sao người lại vục lên ?

Chỉ một mình cô giáo trẻ Nhã Thuyên
Một bản luận văn, một bầy Ưng-Khuyển
Dù Mở miệng hay không Mở miệng
Thì quanh nhà vẫn đầy lũ sai nha.

Mọi sự ồn ào rồi cũng sẽ lắng qua
Mọi giấy bút rồi cũng vào xó bếp
Mọi tranh luận rồi cũng vào đoạn kết
Chỉ miệng đời để lại thế gian.

Cái ác trường tồn, cái ác leo thang
Những nghịch lý không bao giờ biến mất
Con người lầm tưởng mình hơn con vật
Hổ không ăn thịt đồng loại bao giờ.

Xin thôi đi những ngôn ngữ lọc lừa
Biến nhân dân thành đàn cừu ngớ ngẫn,
Máu đã đổ nhiều rồi, máu người không vô tận
Đừng gây hận thù, hãy vun xới nhân văn.

Ai kẻ bên lề, ai kẻ trung tâm ?
Tất cả chúng ta mang dòng máu Việt
Sao lại phải gọi nhau là thù địch
Thành bại, mất còn – ta với ta thôi.

Sài gòn, 24/4/2014

Bình luận về bài viết này